Khi bạn bắt đầu bước vào tuổi mới lớn thì có những thay đổi cả về ngoại hình lẫn tâm lý, có lúc bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình, mặc cảm rằng tại sao mình lại có những đặc điểm khác những bạn khác. Điều này sẽ khiến bạn tỏ ra ngại ngần, rụt rè, bối rối trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Sự tự ti sẽ đẩy bạn vào tình thế không bao giờ hài lòng với mình và chán ghét bản thân. Hãy cùng Wiki How Việt Nam tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sự tự tin ở trẻ ở bài viết này nhé.
Tự ti là gì
Bạn có thể hiểu một cách đơn giản tự ti chính là việc tự đánh giá bản thân mình thấp hơn người khác. Cụ thể như việc bạn thiếu tự tin vào chính năng lực của bản thân. Cũng chính vì vậy mà những người tự ti thường rất ngại suy nghĩ, phát ngôn, hành động, ngại phải giao tiếp với những người xung quanh.
Có một điểm cực kỳ dễ nhận thấy đó là những người mắc bệnh “tự ti” thường hay cho rằng bản thân mình bất tài, vô dụng. Hình dung dễ hiểu theo cách nói của người xưa là “Ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”, làm gì cũng dễ thất bại. Từ nhìn nhận một cách sai lệch về bản thân, dần dần họ sẽ trở nên chậm chạp, thụ động hơn.
Tâm lý này đi ngược lại với nhận thức chung của số đông hiện nay là ai cũng cố gắng để có được cơ hội được thể hiện mình, muốn thành công trong cuộc sống. Do vậy, biểu hiện này chính là trạng thái tâm lý vô cùng tiêu cực mà mỗi người trong chúng ta rất không nên có.
Hậu quả của sự tự ti
Tự ti là một sự khiếm khuyết về mặt tính cách, đặc biệt là đối với trẻ em, tâm lý tự ti sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về cả thể chất và tinh thần của trẻ, gây bất lợi đối với sự trưởng thành của trẻ và tác động đến tương lai của trẻ.
Trẻ em nên có một tuổi thơ hạnh phúc, lớn lên vui vẻ không phải lo nghĩ, thế nhưng một khi đã có tâm lý tự ti thì trẻ sẽ thường buồn rầu, phiền muộn không có nguyên do, không dám giao tiếp với người khác, thậm chí sợ hãi cả bạn bè, xem con người như “những kẻ hung dữ”.
Bởi vì trẻ tự cảm thấy mình không có gì tốt, thế nên chỉ có thể một mình trốn trong góc, ngưỡng mộ người khác, mong muốn được có bạn bè nhưng lại thường hay nghĩ: “Tại sao mình làm gì cũng không tốt, làm thế nào để người ta thích mình đây, ai mà muốn chơi với kẻ ngốc như mình chứ?”.
Nếu trẻ có sự đánh giá sai lệch về bản thân ngay từ nhỏ thì sẽ luôn cho rằng mình là người tệ nhất. Ngoại hình thì xấu, ăn mặc không đẹp, học cũng không giỏi… Những đứa trẻ tự ti thích thu mình lại, không dám tiếp xúc với người hay sự việc mới bởi trẻ lo lắng mình bị đánh giá, sợ hãi bị những người xung quanh cười nhạo, chê bai.
Sau khi lớn lên, sự tự ti sẽ khiến trẻ không dám một mình đối diện với cuộc sống, không dám ngẩng cao đầu trước người khác, không dám nắm bắt khi cơ hội đến. Trẻ sẽ luôn giữ cái tôi của mình, sống lúc nào cũng dè chừng, buồn khổ.
Không thể xem nhẹ tâm lý tự ti của trẻ, làm cha mẹ, ai cũng đều hy vọng con mình sống tốt, từng bước đi đều thành công, đều hết lòng lo lắng cho con trẻ, chỉ muốn con ngày càng giỏi giang hơn. Vì thế một khi phát hiện trẻ xuất hiện vấn đề tự ti thì cha mẹ phải kịp thời hỗ trợ trẻ vượt qua việc tự phủ định chính mình
Những biểu hiện của tự ti
Trẻ tự ti thường có những biểu hiện thường gặp sau đây:
Thường hay so sánh bản thân với người khác
Trẻ tự ti sẽ hay nói về người khác và nhìn nhận những thành quả của họ theo cách tích cực, đồng thời, lại suy nghĩ và có những bình luận tiêu cực về thành quả của chính bản thân mình. Những thành quả này có thể là về vẻ bề ngoài hoặc những kết quả, giải thưởng đạt được.
E dè, nhút nhát
Trẻ tự ti sẽ luôn luôn nhút nhát, biểu hiện này thường gặp ở những trẻ có khuyết điểm về mặt ngoại hình. Đối tượng thường thấy của nhóm này thường là các bạn thấp còi và sự e dè của các bạn sẽ dễ thấy nhất thông qua các lớp học về thể dục hoặc các bộ môn đòi hỏi nhiều sự vận động.
Không dám bày tỏ ý kiến của mình
Trẻ tự ti thường không chắc chắn về suy nghĩ của mình, mặc dù có nhiều bạn cực kỳ thông minh. Các bạn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa ra ý kiến hay trả lời một câu hỏi nào đó. Nhưng nếu được hỏi đến, các bạn luôn có đáp án chính xác cho câu hỏi.
Chịu đựng
Sự ngoan ngoãn vâng lời là tốt, nhưng đôi lúc nó là vẻ ngoài tốt để che đậy sự tự ti trong bản thân trẻ. Trẻ thường tuân theo tất cả yêu cầu được đưa xuống, và làm theo yêu cầu đó dù có cảm giác khó chịu hoặc không hợp lý. Và dĩ nhiên, chúng sẽ không lên tiếng một khi bản thân vẫn còn sức chịu đựng
Không hòa nhập
Trẻ tự ti thường luôn tìm cho mình một không gian riêng, hoặc cố gắng giấu mình vào một nơi nào đó. Trẻ cũng hạn chế sự tiếp xúc với các bạn khác, đôi lúc việc này khiến chúng tự cô lập mình khỏi lớp học và phải chịu những cái nhìn không có thiện cảm từ phía bạn bè.

Các biện pháp giúp trẻ thoát khỏi sự tự ti
Tự ti nếu được phát hiện càng sớm thì càng dễ hạn chế tác động của chúng, cũng như ít khó khăn hơn trong việc giải quyết chúng một cách triệt để. Dưới đây là những cách mà bạn nên áp dụng nếu con bạn đang gặp phải khó khăn với sự không tự tin.
Giúp trẻ thay đổi phong thái của bản thân
Những trẻ có tâm lý tự tin thường nói ấp úng, dáng đi co co người, rụt rè sợ sệt. Hãy giúp trẻ từ từ sửa đổi từ những đặc điểm này thì dần sẽ thay đổi được phong thái thể hiện ra bên ngoài của trẻ.
Hỗ trợ xây dựng sự tự tin của trẻ qua lời nói
Những lời nói tích cực có thể khiến con người ta sinh ra suy nghĩ tích cực, từ đó cải thiện tâm thái tiêu cực. Vì vậy phụ huynh có thể vô tình hay hữu ý dùng những lời như “Con giỏi lắm; Cố gắng lên con, chỉ một chút nữa là thành công rồi; Con rất thông minh, nhất định con sẽ làm được v.v…” để cổ vũ trẻ, giúp trẻ tự tin vào bản thân.
Tuyên dương trẻ được phát huy tài năng
Để loại bỏ cảm giác tự ti của trẻ, điều quan trọng nhất là để trẻ nhận ra rằng bản thân mình rất hữu dụng, do đó việc nhận ra sở trường và ưu thế của trẻ trở nên rất quan trọng. Bởi vì những trẻ tự ti không nhìn thấy được và không cảm thấy rằng mình có tài năng gì, nhưng đây thực ra không phải là sự thật. Sau khi tìm được tài năng của trẻ, đương nhiên các bậc phụ huynh cũng cần phải tạo ra các cơ hội và điều kiện để trẻ phát huy tài năng của mình.
Cho trẻ trải nghiệm sự thành công
Để củng cố sự tự tin trong lòng trẻ, cần cho trẻ sống trong trải nghiệm thành công. Hãy lập ra những cơ hội thành công cho trẻ, dù chỉ là những thành công nho nhỏ như giải được một bài toán dễ, vẽ được một con vật đơn giản, xếp hình thành công một bức tranh, đưa được gậy cho bạn trong cuộc thi tiếp sức ở trường, giúp đỡ một người nào đó v.v…, tâm trạng thành công này có thể khiến trẻ tự tin hơn.
>>> Xem thêm: Tạo năng lượng tích cực cho bản thân
Giúp trẻ quên đi những ám ảnh thất bại
Ám ảnh từ sự thất bại sẽ sinh ra cảm giác tự ti, kịp thời xóa đi ám ảnh thất bại là mấu chốt quan trọng để trẻ khắc phục sự tự ti. Vậy nên, cha mẹ cần đóng vai trò là người hướng dẫn giúp trẻ học được những bài học từ sự thất bại, nói cho trẻ biết rằng “thất bại là mẹ thành công”, bây giờ không làm được không có nghĩa là sau này không làm được, việc này không làm được không có nghĩa là trẻ vô dụng, còn rất nhiều cơ hội và những việc khác mà trẻ hoàn toàn có thể thử sức và thành công.
Hãy tập cho trẻ ngưng so sánh với người khác
Đối với những trẻ tự ti có tâm lý “ngưỡng mộ cái hay của người khác, xấu hổ với thiếu sót của bản thân”, cha mẹ cần cho trẻ biết rằng mỗi cá nhân đều là duy nhất, đều có những ưu và khuyết điểm riêng, không ai giống ai, vậy nên đừng nên so sánh bản thân mình với người khác.
Trên đây là những chia sẻ của Wikihowvietnam.com về những thông tin liên quan đến vấn đề tự tin ở trẻ, mong rằng bạn đọc sẽ hiểu rõ được vấn đề và giúp cho trẻ được là chính mình. Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của chúng tôi.